Tổng số lượt xem trang

Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Cận cảnh Gạc Ma

Từ FB Huy Đức

Cuộc đụng độ súng đạn chỉ diễn ra chưa đầy 20 phút nhưng nó kéo dài, có lẽ sẽ, tới hết cuộc đời Lê Hữu Thảo và những đồng đội sống sót của anh. Lê Hữu Thảo được "biên chế" vào một trong hai trung đội chiến đấu của Lữ 146 lập ra khá gấp rút trước khi tàu HQ-604 rời Cam Ranh ra Gạc Ma.

Bài I: 14-3-88


Ngày 10-3-1988, tàu 604 đã ra tới phao số 0 nhưng gió bão lớn quá phải quay lại. Cũng như HQ-605, HQ-604 là loại tàu vận tải nhỏ, cũ, do Trung Quốc viện trợ. Chập tối hôm sau, 11-3-1988, HQ-604 lại xuất phát tiếp dù sóng gió vẫn rất dữ dội.

Tàu 604 phải đi lòng vòng tiếp nước ngọt cho một số đảo, đến Gạc Ma thì đã khoảng 3, 4 giờ chiều 13-3. Khi ấy, thủy triều đang lên, chỉ có thể nhận dạng bãi san hô Gạc Ma qua mảng xanh nõn chuối kéo dài chừng 500m. Hơn nửa tiếng sau đó, một tàu khu trục của Trung Quốc tới, đậu cách 150m, quân lính kéo lên boong, bắc tay làm loa, hét to: "Đây là lãnh thổ Trung Quốc, yêu cầu tàu và bộ đội Việt Nam rút ra". Từ trên boong tàu HQ-604 hàng chục người lính Việt Nam cũng bụm tay đáp trả: "Đây là lãnh thổ Việt Nam!".

Nói qua, nói lại một lúc, tàu Trung Quốc lui ra khỏi tầm mắt. Một số bộ đội công binh lấy cần câu cá. Trong khi, trên mặt một số tân binh không giấu được chút âu lo.

Tối 13-3-1988, một số anh em quá mệt do say sóng xuống hầm tàu nghỉ. Phần lớn ở lại trên boong. Đây chính là thời gian mà những người lính Gạc Ma bắt đầu làm quen nhau. Trên tàu lúc ấy gồm: Thủy thủ đoàn 22 người; Lính thủy đánh bộ, Lữ 146, khoảng 30 người; 5 người Quân chủng Hải quân gửi theo thực tập; Phía Công binh, trung đoàn 83, có khoảng 50 người. Họ chỉ biết nhau từ khi bước xuống tàu, rồi phải trải qua một hải trình mà sóng gió làm cho gần như tất cả đều phải nôn thốc, nôn tháo.

Khoảng 3 giờ sáng, thủy triều xuống, Công binh hạ thuyền, đưa người ra trồng cột, dựng cờ. 5 giờ sáng, Trần Văn Phương, trung đội phó; Nguyễn Mậu Phong, trung đội trưởng, gọi tiểu đội trưởng Lê Hữu Thảo, giao nhiệm vụ đưa chiến sỹ xuống bãi đá giữ cờ. Thảo gọi Đậu Xuân Tư và Nguyễn Văn Thành đi cùng, nhưng Thành bị cảm nên HoàngTrọng Chúc xuống thay. Khi ấy, súng ống vẫn còn để trong thùng gỗ, chưa kịp lau dầu mỡ. Thảo nói với thủy thủ đoàn: "Cho tôi mượn hai khẩu AK". Thảo, Chúc, Tư cùng Phương, Phong xuống thuyền, Công binh chèo ra phía "cột cờ". Ở trên boong Lữ đoàn phó Trần Đức Thông ra lệnh: "Tất cả dậy ăn sáng và mang vũ khí lên lau chùi".

Sau khi mọi người ổn định, Phong cùng các chiến sỹ công binh quay lại tàu, chỉ huy việc vận chuyển vật liệu. Nhiệm vụ của Công binh là dựng ở Gạc Ma một căn nhà chòi đủ cho mộttrung đội ở. Đây là phần quan trọng nhất trong chiến dịch "Chủ quyền88"[1]. Trong số bốn người ở lại, Phương - Thảo - Tư - Chúc, chỉ có Thảo và Tư là có AK.

Thảo bao quát tình hình, kiểm tra cột cờ, rồi lấy thuốc lá ra hút trong không gian biển gần như tĩnh lặng. Từ trên boong, Thảo nhìn thấy chiến sỹ công binh Nguyễn Văn Lanh, mặc quần đùi màu đỏ, nhảy xuống, bơi ra nơi có khoảng 5, 6 chiến sỹ công binh khác.

Chuyến xuồng thứ hai, thay vì chở vật liệu, đã kéo một dây cáp dài từ mạn tàu ra ngoài bãi cạn, neo lại cách chỗ Thảo đứng khoảng hơn mười mét. Từ xa, tàu Trung Quốc bắt đầu tiến gần; ngoảnh lại, phía Việt Nam có thêm hai tàu, HQ-505 và HQ-605. Công binh vẫn lặng lẽ vận chuyển cột bê tông đồng thời chuẩn bị thêm cờ. Khi ấy, cờ Việt Nam vẫn bay trên bãi đá Gạc Ma.

Lập tức, tàu Trung Quốc ập tới. Ba tàu khu trục vào gần, một tàu ở xa hơn. Về sau, anh em Công binh sống sót nói, khi còn ở trên boong, họ nhìn thấy trên chiếc tàu thứ 4 đó có người quay phim. Rất nhanh, 4 xuồng máy được thả xuống, chuyển lính đổ bộ, rải dọc theo bãi đá. Thảo đếm được 49 tên, trong đó có một tên mang máy điện đàm. Viên chỉ huy xuống sau cùng, đứng cách Thảo 3 mét.

Ở dưới bãi đá, trong khi phía Việt Nam chỉ có hai khẩu AK; 50 lính Trung Quốc trang bị súng, dao găm. Bọn họ tuốt lê rồi lấy lương khô ra ăn. Trong thời gian đó, một chiếc xuồng máy Trung Quốc chạy vòng vòng quanh HQ-604, chĩa đại liên lên tàu, liên tục yêu cầu "Việt Nam rút".

Tiểu đội trưởng LêHữu Thảo nói với trung đội phó Trần Văn Phương: "Kiểu này, đánh giáp la cà là chắc, tôi phải xử lý thế nào?". Phương: "Đồng chí lại gần, bảo vệ cờ và quan sát. Đừng nổ súng trước. Bình tĩnh!". Thêm một xuồng Công binh nữa được kéo ra. Lính Trung Quốc xáp lại. Nhiều chiến sỹ nhảy từ trên boong HQ-604 xuống hỗ trợ anh em. Cờ tổ quốc tiếp tục được chuyền tay nhau.

Thảo đi về hướng sát cột cờ hơn. Viên chỉ huy phía Trung Quốc - lúc này, đứng cách Thảo chừng 10 mét- rút khẩu súng ngắn, bắn một phát chỉ thiên. Dường như hắn cũng đang sợ hãi nên khẩu súng tuột khỏi tay rơi xuống biển. Bọn lính Trung Quốc bắt đầu xáp vào cướp cờ. Hai bên giằng co, xô đẩy. Thảo nhìn thấy lá cờ đỏ được chuyền tới tay anh Phương. Phương vừa bước được mấy bước thì súng nổ, Thảo nghe Phương kêu:"Cứu tôi". Súng lại nổ, Thảo thấy Phương ngã xuống.

Ở chỗ Thảo, một tên lính Trung Quốc nhảy vào giật khẩu AK đang đeo trước ngực Đậu Xuân Tư. Thảo cùng Tư giằng lại. Một thằng dùng lê đâm Thảo nhưng không trúng. Cùng lúc tiếng súng rộ lên. Thảo chĩa súng vào đội hình lính Trung Quốc, siết cò cho đến khi hết đạn...

Về sau nhớ lại, Thảo nghĩ, chỉ cần chậm mấy giây là hết cơ hội. Các đồng đội của Thảo từ trên tàu cũng đồng loạt nổ súng. Bọn lính Trung Quốc vừa dùng AK bắn trả vừa lên xuồng máy về tàu. Từ khi đó, quanh chỗ Thảo đứng, đạn dội xuống xối xả từ các tàu địch. Đạn 100 ly, 76 ly 2; 12 ly 7, đại liên... Đạn trùm lên đồng đội đang đứng trên boong HQ-604.

Khi ấy nước đã lên tới bẹn, Thảo bỏ súng, ngả người, lặn một đoạn. Ngóc đầu lên thấy đạn bắn theo. Lại lặn. Lần thứ 3 khi Thảo nổi lên, anh thấy HQ-604 bị bao quanh bởi một lưới lửa. Thảo cởi giày, cởi mũ áo, cởi quần dài, rồi bơi ra xa.

HQ-604 là tàu vận tải cỡ 50 tấn, do Trung Quốc viện trợ. Trên tàu không có lấy một khẩu 12ly7. Trước giờ khởi hành, các chiến sỹ được quán triệt tinh thần, "việc nó nó làm, việc mình mình làm". Hạ sĩ hải đồ Phạm Xuân Trường, có mặt trên boong, thừa nhận, súng ống lấy từ trong các thùng gỗ mới lau chùi mỡ được một phần thì xảy ra đụng độ.

Khi hỏa lực Trung Quốc dồn bắn vào tàu, Trường cùng ba người lính khác nép vội vào sau két nước. Một người đồng hương Hương Sơn, Hà Tĩnh, của Trường - Nguyễn Thanh Hải - bắn hai phát B-40. Nhưng tàu Trung Quốc đậu quá tầm, cả hai trái B-40 đều rơi xuống biển. Hải trúng đạn, gục xuống. Ba người nép vào két nước cũng trúng đạn chỉ mình Trường sống sót. Khi HQ-604 bắt đầu chìm, anh nhảy xuống biển.

Tiếng súng thưa dần. Thảo bơi về phía HQ-604. Đồ đạc, ván mảnh nổi lềnh bềnh. Thảo nghe: "Cứu anh với Thảo ơi". Thảo bơi lại gần, thấy một đồng đội bị bỏng, nằm bất động. Thảo không hiểu vì sao anh ấy gọi đúng tên mình vì về sau Thảo mới biết tên anh là Bùi Hoàng Hải[2]. Thảo bám đống phao, nhìn vào bãi cạn, thấy chiếc xuồng công binh còn đó, 3, 4 bộ đội Việt Nam nhấp nhô bám thành xuồng. Thảo dìu Hải lại, nhờ mọi người bế Hải lên xuồng. Cách đó 15m, Thảo thấy Chúc.

Lúc này, mọi người mới phát hiện, trên bãi đá, cách xuồng chừng 300m vẫn còn 5 tên lính Trung Quốc. Tuy ở ngoài tầm súng AK, Thảo vẫn yêu cầu anh em tản ra.

Thảo cùng đồng đội tìm thấy Nguyễn Văn Lanh. Lanh bị đạn bắn xuyên ngực, lúc ấy đang ngất lịm đi, nửa chìm, nửa nổi. Một người bị thương khác đang nằm trên một thùng dầu phụ.Quay lại gần chỗ Thảo đứng trước khi nổ súng, Chúc vớt được một khẩu AK. Năm anh em còn sống, chia nhau lội tìm đồng đội. Họ nhìn thấy xác Phương. Lúc ấy,cá mập quẫy tung nước. Từ xa, có một người bơi lại. Thảo nhận ra Phạm XuânTrường. "Hải đâu? Thành đâu?". Trường: "Chết hết rồi".

Gần trưa, tàu Trung Quốc rút ra khá xa. Năm tên lính đứng lại trên bãi đá cũng được xuồng máy đưa về. Phía xa, tàu 605 bị nghiêng, 505 vẫn bốc khói. Giữa trưa, có hai máy bay bay qua rất cao.

Chiếc thuyền nhôm thủng nhiều chỗ. Khi Thảo quay lại, thi thể anh Phương vẫn để bên ngoài xuồng. Thảo nói, bằng mọi giá phải đưa Phương về cùng, rồi kêu anh em xé vải nút những lỗ thủng, tát nước, đặt xác Phương và những người bị thương lên xuồng. Có vài người lính công binh không biết bơi, Thảo đề nghị họ lên ngồi, chèo; những người biết bơi bám mạn xuồng đẩy, đi về phía tàu HQ-505.

Bơi xuồng chừng một giờ thì phía sau xa có một người đang bơi. Thảo leo lên xuồng nhìn rồi cương quyết đưa xuồng quay lại. Người được vớt tên là Hưng, thợ máy tàu 604. Cùng lúc, những người lính trên tàu 505 nhìn thấy; một xuồng máy được thả xuống, thủy 505 ra dìu nhóm Thảo vào tàu.

Trước đó, tàu 505 đã đâm lên bãi đá cạn Colin. HQ-505 trở thành cột mốc chủ quyền của Việt Nam trên đảo. Lúc đó trời đã về chiều. Khoảng 9 giờ đêm, một chiếc tàu cắm cờ chữ thập ra tới Colin. Những người sống sót, những người bị thương, cùng thi thể Trần Văn Phương, Võ Văn Tứ, được đưa lên Sinh Tồn Lớn. Hai liệt sỹ được an táng trên đảo.

Khi ấy không ai biết rõ bao nhiêu người lính đã chết. Thủy thủ đoàn 604 đi 22 người, sống sót 5; tổng cộng có 11 người bị thương; ngoài Tứ và Phương, còn hơn 70 người mất tích.



[1] Đầu năm 1988, Trung Quốc cho quân chiếm đóng một số bãi đá Việt Nam tuyên bố chủ quyền như Chữ Thập (20-1-1988), Châu Viên (18-2-1988), Ga Ven (26-2), Kennan (28-2). Cùng lúc, Hải quân Việt Nam cũng đưa vũ khí, khí tài ra đóng giữ tại các đảo đá Tiên Nữ (26-1), Đá Lát (5-2), Đá Lớn (6-2), Đá Đông (18-2), Tốc Tan (27-2), Núi Le (2-3). Trên đường tiếp tế cho các căn cứ ở Trường Sa, Gạc Ma, CôLin và Len Đao có vị trí như một tiền đồn. Đôi bên đều có tham vọng chiếm giữ ba bãi đá đó. Đầu tháng 3-1988, Trung Quốc đưa 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộvệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải... ra hoạt động thường xuyên. Hải quân Việt Nam cũng đẩy nhanh Chiến dịch "Chủ quyền 88".
[2] Nay là đại tá, Phó chỉ huy trưởng tỉnh đội Thanh Hóa.

Lê Hữu Thảo thăm bà Hoàng Thị Thuận (1948) mẹ chiến sỹ Nguyễn Thanh Hải, người lính đã dũng cảm hy sinh trên boong tàu HQ-604 sau khi bắn hai quả B40 về phía quân Trung Quốc.
Lê Hữu Thảo thăm bà Hoàng Thị Thuận (1948) mẹ chiến sỹ Nguyễn Thanh Hải, người lính đã dũng cảm hy sinh trên boong tàu HQ-604 sau khi bắn hai quả B40 về phía quân Trung Quốc.
Lê Hữu Thảo thăm Phạm Xuân Trường, một đồng đội trên tàu 604 sống sót
Lê Hữu Thảo thăm Phạm Xuân Trường, một đồng đội trên tàu 604 sống sót


Bài II: Gạc Ma, Những Năm Sau Đó



"Cuộc chiến chỉ xảy ra 20 phút nhưng cuộc đời kéo dài hàng chục năm. Để có hành động anh hùng trong một trận chiến không khó. Để thành công trong cuộc đời khó thay" - Lê Hữu Thảo đốt thuốc liên tục trong suốt buổi nói chuyện với chúng tôi, tối 17-2-2014, rồi thốt lên câu đó.

Quê Nhà

"Ngay trong ngày" 14-3-1988, Bộ Ngoại giao ra tuyên bố "lên án hành động khiêu khích quân sự của nhà cầm quyền Trung Quốc". Nhưng, phải vài hôm sau Đài tiếng nói Việt Nam và báo Nhân Dân mới cho hay: "Sáng 14-3, các tàu chiến Trung Quốc đã ngang nhiên nổ súng vào 3 tàu vận tải của Việt Nam đang hoạt động bình thường ở bãi đá ngầm Gạc Ma thuộc đảo Sinh Tồn. Tàu của ta đã phải nổ súng để tự vệ. Trong khi đó họ lại đổi trắng thay đen vu cáo tàu của Việt Nam khiêu khích vũ trang tàu Trung Quốc"[1].

Ngày 25-3-1988, đài tiếng nói Việt Nam và báo Nhân Dân cho biết chi tiết: "Họ (Trung Quốc-HĐ) đã dùng súng bắn chết thiếu úy Trần Văn Phương, dùng súng và dao găm đâm bị thương nặng chiến sỹ Nguyễn Văn Lanh, bắn chết một số chiến sỹ khác. Từ trên các tàu chiến, họ tập trung hỏa lực bắn xả vào các chiến sỹ ta ở trên các đảo và trên những tàu bị cháy đang nhảy xuống nước, bắn vào các chiến sỹ đang bơi trên thuyền cao su, dùng cả câu liêm, bắn mạnh vào các chiến sỹ ta đang bơi trên biển. Cho đến nay, chúng ta vẫn còn 74 anh em mất tích".

Sáng 25-3-1988, ông Nguyễn Văn Mạo dậy sớm đi đôn đốc các gia đình trong xã lên xe đi "kinh tế mới". Khoảng 8 giờ, khi trở về, ông thấy nhà mình đông nghẹt người. "Tôi rụng rời", ông Mạo nhớ lại. Nguyễn Văn Phương, con trai ông, có tên trong danh sách 74 người mất tích. Ông Mạo vốn là một chuẩn úy pháo phòng không phục viên, lúc ấy đang là Chủ tịch xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, Thái Bình. "Tôi buồn đến mức xin thôi làm chủ tịch ngay sau đó"- ông nói.

Tâm Điểm của Báo Chí

Thảo và Chúc ở lại Sinh Tồn Lớn 10 ngày, "ngày nào cũng nhìn thấy tàu Trung Quốc chạy qua chĩa súng vào đảo". Ngày thứ 11, có tàu ra, đưa Thảo và Chúc vào bờ. Hàng tháng sau đó, những "người hùng Gạc Ma" sống sót trở thành tâm điểm của báo chí và các sinh hoạt chính trị. Đoàn Thanh niên Cộng sản phát động phong trào "Hướng về quần đảo Trường Sa thân yêu".

Lê Hữu Thảo kể: "Liên tục, báo chí, lãnh đạo, các đại biểu tới thăm. Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh cũng bay vào Cam Ranh. Tôi và Chúc 'thay mặt bộ đội Trường Sa' nhận rất nhiều quà 'của đồng bào cả nước'. Tôi được mời đóng một đoạn phim tài liệu; được mời vô Sài Gòn; được mời lên truyền hình, nói: Sẵn sàng quay lại Trường Sa". Khi đó, trong số những người thực sự tham chiến còn sống sót chỉ có Thảo và Chúc là không bị thương. Lanh nằm viện nhiều tháng liền.

Lê Hữu Thảo nhớ lại: "Chúng tôi được thông báo, cả hai sẽ được cử đi dự festival Thanh niên Sinh viên Thế giới diễn ra vào giữa năm sau tại Bình Nhưỡng. Hai thằng được tập huấn cách phát biểu và trả lời báo chí. Sau đó lại được thông báo, tên tôi được ghi vào bảng vàng danh dự của Hải quân. Cuối cùng, một sỹ quan quân lực gọi chúng tôi lên nói: Có đợt học tập ở Đức, Thảo và Chúc nên đi, chờ dự Festival thì chậm mất. Chúng tôi đi, té ra là 'xuất khẩu lao động' chứ không phải đi học".

Những Tấm Huân Chương

Tháng 12-1988, hàng chục cán bộ chiến sĩ được phong tặng, truy tặng huân chương, phong hoặc truy phong danh hiệu anh hùng. Năm "suất" anh hùng được phân bổ: Thiếu úy Trần Văn Phương (sinh 1965-Quảng Bình), Lữ 146 (hy sinh); Trung tá Trần Đức Thông (sinh 1944-Thái Bình), Phó lữ đoàn trưởng 146 (hy sinh); Đại úy Vũ Phi Trừ (sinh 1957-Thanh Hóa), Thuyền trưởng HQ-604 (hy sinh); Thiếu tá Vũ Huy Lễ (sinh1946-Thái Bình), Thuyền trưởng HQ-505; Nguyễn Văn Lanh (sinh 1966-Quảng Bình), chiến sỹ công binh E83.

Thảo và Chúc không nghe nhắc gì tới tên mình. Khi đó, cả hai đang lao động ở Đông Đức, không còn màng tới bằng khen, giấy khen. Trong nước, sự kiện Gạc Ma nhạt dần và biến mất trên báo cũng như trong đời sống chính trị kể từ sau "Hội nghị Thành Đô" (9-1990).

Ở Thái Bình, ông Nguyễn Văn Mạo cũng không biết con trai mình, liệt sỹ Nguyễn Văn Phương được truy tặng Huân chương chiến công hạng 3. Ông nói: "Họ đút huân chương đâu đó trên Huyện đội. Một thời gian sau, cậu xã đội trưởng lên huyện họp, nhìn thấy, cầm về". Bố của liệt sỹ Phạm Gia Thiều, ông Phạm Gia My - người từng ở trong Quân đội từ 1953-1975 - thì không ứng xử như vậy.

Thượng úy Phạm Gia Thiều không thuộc biên chế của tàu HQ-604 nhưng khi 604 được lệnh ra đảo, một thuyền phó vắng mặt, Thiều đã đi thay. Ông My nói: "Khi được mời lên xã làm lễ truy điệu, tôi không đi vì chưa được làm rõ: Anh Trừ, thuyền trưởng, được phong anh hùng; con tôi, thuyền phó cùng chiến đấu trong giờ đó có công, có tội gì mà không nghe nói đến? Một thời gian sau, họ cử một cán bộ mang về nhà tôi tấm huân chương chiến công hạng nhất. Bà nhà tôi nói: không nhận. Đơn vị bảo gia đình yêu sách. Tôi nói: Huân chương là tặng thưởng của 'nhà vua' đâu có trao như thế được. Sau, đơn vị cho người mang về, mời tôi ra xã trao".

Những người đã có mặt trên đảo Gạc Ma sáng 14-3 như Thảo thì không câu nệ ai được huân chương, ai không. Trong khoảng gần 20 phút nổ súng đó, không ai có thể quan sát bao quát, để biết, ai đã chiến đấu như thế nào để về báo công. Về sau, báo chí nói khi bị bắn, thiếu úy TrầnVăn Phương hô: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”. Đấy có thể là ý chí của Phương. Trước đó, khi giao nhiệm vụ, Phương dặn, "Bằng mọi giá, phải giữ cờ", nhưng khi bị bắn, Thảo biết, Phương không có đủ thời gian để hô khẩu hiệu.

Với Thảo, những đồng đội sẵn sàng ra đảo hôm 11-3-1988 đều là những anh hùng. Họ đã nhận nhiệm vụ với tinh thần cảm tử. Một vài bạn của Thảo xin đi đã không được chấp nhận. Một vài người sợ hãiđã đào ngũ trước đó. Vấn đề không chỉ là những tấm huân chương mà là cuộc sống của những ông bố, bà mẹ, của những người vợ, của những đứa trẻ.

Các Góa Phụ Gạc Ma

Y sỹ Phạm Huy Sơn (Diễn Nguyên, Diễn Châu, Nghệ An) tưởng có thể được ăn Tết cùng vợ con sau hai năm ở đảo Trường Sa. Nhưng, 15 ngày trước khi hết phép, anh được lệnh quay lại đơn vị, nhận nhiệm vụ mới ở "nhà giàn" Gạc Ma. Phạm Huy Sơn hy sinh khi vợ anh - chị Trần Thị Ninh - đang có thai ở tháng thứ hai (con gái anh Sơn, Phạm Thị Trang, sinh ngày 27-10-1988), đứa con trai sinh năm 1984 bị bại não bẩm sinh.

Chồng mất năm 27 tuổi, chị Ninh ở vậy nuôi con trong đau thương và cả những tủi hổ không nói được. Ba năm sau, mấy mẹ con phải ra khỏi nhà chồng. Các cậu, các dì góp chút gạch, chút ngói, cất cho một căn nhà nhỏ. Ông ngoại cho một con bò. Cậu con trai, đến nay đã 31 tuổi, nhưng đến bữa vẫn phải nằm ngửa ra, đợi mẹ xay thức ăn bón vào miệng. Trí não không phát triển nhưng chân tay khỏe mạnh. Nhiều hôm cậu lang thang hết làng trên, xóm dưới. Làm đồng về không thấy con, chị vừa chạy tìm, vừa khóc.

Năm 2006, Quân chủng Hải quân cho 15 triệu, chị Ninh nói: "Các anh ấy xét hoàn cảnh, linh động gửi tiền trước thay vì xây xong nhà mới 'giải ngân'. Đó cũng là cơ hội, tôi vay thêm các cậu, 'cắm' sổ liệt sỹ trong hai năm vay thêm 15 triệu của ngân hàng. Xây được căn nhà này rồi trả dần, giờ vẫn còn nợ các cậu 15 triệu". Căn nhà ngói 3 gian, có gắn bảng "nhà tình nghĩa" của chị Ninh, tuy không to đẹp như các nhà trong xóm, nhưng trông khang trang hơn hẳn so với căn nhà cất hồi năm 1991.

Chị Cao Thị Bình - vợ liệt sỹ, bác sĩ quân y Hồ Công Đệ (Hải Thượng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) - vốn là một người lính ở vùng Biên phía Bắc. Năm 1981, họ cưới nhau khi chị ra quân. Từ năm 2012, "các đoàn" về thăm thấy chị có một căn nhà khá khang trang, ít ai biết, cho đến năm 2011, chị vẫn phải làm "osin" ở Vũng Tàu. Tám năm giúp việc cho một gia đình, nhà chủ thông cảm hoàn cảnh, để chị mang 3 đứa con vào cùng ăn học.

Chồng chết năm 31 tuổi, khi mới mang thai 6 tháng đứa con thứ 3, chị Bình kể: "Bốn năm sau khi anh mất, một người bạn mới mang đồ đạc của anh về. Khi đó, 4 mẹ con đang sống trong một căn nhà tranh, vách đất. Đêm đêm, tôi lặn ngụp, mò cua, bắt ốc, bệnh sưng khớp đeo đẳng tới bây giờ. Hai đứa con gái đã lấy chồng, rất thương mẹ. Cháu trai, Hồ Công Được, cũng đã có bằng trung cấp cơ điện. Chỉ mong cháu xin được một chỗ làm trong công trường xây dựng nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, rồi tôi có chết cũng mãn nguyện".

Trung úy hải đồ Lê Đình Thơ (Hoằng Minh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) hy sinh khi con gái, Lê Thị Thủy, mới vừa tròn một tuổi. Chín tháng sau, mẹ anh, bà Lê Thị Lương, kể: "Ngày 20-12-1988, đơn vị cho xe về đón tôi ra, đến lượt vợ thằng Thơ mất". Mất con, rồi mất dâu, bà thay mẹ nuôi đứa cháu nội mới gần 2 tuổi. Bà Lương nói trong nước mắt: "Tôi khổ cả đường tình, cả đường con. Tôi sinh đứa thứ 4 thì chồng bỏ đi lấy vợ khác. Nhiều năm trời không biết giấc ngủ là gì bác ạ". Cô dâu út thấy bà kể lể, nắm áo: "Thôi, bà ơi!" .Bà Lương quay sang con dâu, quyệt mắt: "Mi có biết khổ là chi mô".

Được bà nội và các cô chú chăm sóc, Thủy lớn khôn, học giỏi. Sau khi tốt nghiệp trường đại học Mỏ Địa Chất, cô được đơn vị cũ của cha - Đoàn do đạc biên vẻ bản đồ và nghiên cứu biển, Hải quân -nhận về làm. Bà Lương cho biết, đơn vị cha cháu vẫn giữ liên lạc suốt bao nhiêu năm và luôn quan tâm đến cháu. Bà khoe, mỗi khi ra thăm cháu, cứ hết người này đến người kia mời. Bà nói: "Gần đây, tôi nằm mơ thấy thằng Thơ về, nó mặc quân phục, đeo quân hàm rất đẹp, nói với tôi: Mẹ chăm cháu thế là được rồi, mẹ không phải ra nữa, vậy là tôi ở nhà". Bà Lương bảo: "5 triệu các anh (Nhịp Cầu Hoàng Sa) đưa hôm Tết, tôi dùng để mua một cỗ hòm".

Các ông bố, bà mẹ, những người vợ liệt sỹ hết tuổi lao động được cấp tiền tử tuất, trước đây là 370 nghìn/ tháng; sau đó tăng lên 670 nghìn; năm 2013 là 1 triệu 100 nghìn; năm 2014 là 1 triệu 220 nghìn/ tháng. Từ năm 2008, nhiều đơn vị phối hợp với địa phương, cấp cho một số gia đình liệt sỹ Gạc Ma từ 15, 20 triệu đến 30, 50 triệu/ gia đình để xây "nhà tình nghĩa", nhiều gia đình cố vay mượn thêm để xây được căn nhà.

Ngày 19-2-2014, khi chúng tôi đến xã Nghi Yên, Nghi Lộc, Nghệ An, thăm gia đình liệt sỹ Đậu Xuân Tư, hai cha con người em của Tư, Đậu Xuân Chương, vẫn đang "đi Lào làm phụ hồ". Chị Phan Thị Lương, vợ anh Chương, nói: "Anh ấy rất muốn mua cái máy cày hoặc máy tuốt lúa (khoảng 35 triệu) để khỏi phải đi làm thuê xa nhưng ngân hàng không cho vay vốn vì vẫn còn nợ 6 triệu chưa trả hết".

Năm 2010, bà Nguyễn Thị Nhơn (83 tuổi), mẹ của Đậu Xuân Tư, được một đơn vị tặng 50 triệu. Thay vì tu sửa căn nhà cũ của gia đình Chương, người em đang chăm sóc bà Nhơn, theo chị Lương: "Họ yêu cầu phải xây riêng cho bà, chúng tôi phải vay mượn thêm 45 triệu".

Cuộc Chiến, Cuộc Đời

Phần lớn các cựu binh Gạc Ma khi trở về đều sống rất chật vật. Trừ một số người nhận danh hiệu anh hùng, nhận huân chương, thăng tiến trong quân đội, số còn lại "hết nghĩa vụ ra quân" không có chế độ gì. Phạm Xuân Trường, Trương Văn Hiền... tuy đã ổn định gia đình nhưng kinh tế chỉ đắp đổi qua ngày. Ngôi nhà Phạm Xuân Trường xây đã mấy năm vẫn chưa kiếm đủ tiền mua cửa. Còn Lê Hữu Thảo thì vẫn lông bông, chưa vợ, chưa nhà.

Trong một lần về quê đầu năm 1991, Thảo yêu một "cô gái đẹp có tiếng ở Hà Tĩnh". Suốt mấy năm sau đó, cô nhất mực chờ anh. Năm 1995, sốt ruột vì tuổi con gái lớn dần, bố cô điện thoại sang Đức cho Thảo nói: "Nếu con yêu và quyết tâm lấy nó thì đêm nay suy nghĩ kỹ, ngày mai điện về. Khi đó, nó muốn đợi bao lâu cũng được". Đêm ấy,Thảo bị bắt trong một chiến dịch truy quét thuốc lá lậu của cảnh sát Đức.

Mối tình sau đó, cho Thảo một đứa contrai, cũng chỉ kéo dài được mấy năm. Đã từng hào hiệp với bạn bè. Để rồi, nay trở về quê, Thảo nói: "Thật xấu hổ khi gần như chỉ còn hai bàn tay trắng".

[1] TuổiTrẻ thứ Năm, 17-3-1988.
Có những ngôi nhà thực sự tình nghĩa, như nhà của ông Phạm Gia My. Bạn bè liệt sỹ Phạm Gia Thiều, thời anh học ở đại học Hàng hải đã góp 500 triệu xây nhà tặng ông.
Có những ngôi nhà thực sự tình nghĩa, như nhà của ông Phạm Gia My. Bạn bè liệt sỹ Phạm Gia Thiều, thời anh học ở đại học Hàng hải đã góp 500 triệu xây nhà tặng ông.
Chị Cao Thị Bình và cháu ngoại.
Chị Cao Thị Bình và cháu ngoại.

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Trận hải chiến Gạc Ma và chuyến đi xuyên Việt

Copy từ FB Osin
Trận hải chiến Gạc Ma diễn ra vào ngày 14-3-1988, nhằm ngày 27 tháng Giêng năm Mậu Thìn. Gần hai tuần trước ngày giỗ đồng đội, cựu binh Lê Hữu Thảo - người hùng may mắn của Gạc Ma - đã cùng chúng tôi đi chặng thứ nhất của chuyến xuyên Việt tưởng nhớ những người lính đã dũng cảm hy sinh 26 năm trước




Lê Hữu Thảo thắp nhang cho liệt sỹ Nguyễn Thanh Hải, xã Chính Mỹ, Thủy Nguyên, Hải Phòng ngày 22-2-2014.





Lá thư cuối cùng đề ngày 6-3-1988 của liệt sỹ Nguyễn Văn Phương (sinh ngày 5-8-1968, Đông Hưng, Thái Bình), ngày những chiến sỹ Hải Quân nhận lệnh vào Cam Ranh để chuẩn bị hành quân ra Gạc Ma.


Hai tuần sau trận hải chiến Gạc Ma, vụ việc bắt đầu được công khai, Chuẩn đô đốc Nguyễn Dưỡng thay mặt Bộ tư lệnh Hải quân gửi thư tới gia đình các quân nhân, thư viết: "Ngày 14-3-1988, Trung Quốc đã cho nhiều tàu chiến có trang bị đại bác cỡ lớn và tên lửa khiêu khích, bắn cháy và bắn chìm 3 tàu vận tải 604, 605, 505 không có vũ trang của ta ở khu vực Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa. Bằng những vũ khí tự vệ, cán bộ chiến sỹ ta trên các tàu đã anh dũng chiến đấu, kiên quyết bảo vệ chủ quyền... bất chấp hiểm nguy, hy sinh, không kể gian khổ vất vả, ngày đêm bằng mọi biện pháp tìm kiếm, cấp cứu đồng chí mình bị nạn... nhưng đến nay vẫn còn 74 đồng chí mất tích" (Đây có thể là con số ban đầu, con số được ghi nhận cho tới nay là 73: 64 trường hợp hy sinh; 9 trường hợp bị Trung Quốc bắt làm tù binh).


Sau khi Trung Quốc cho biết tên tuổi 9 người bị họ bắt giữ, ngày 22-5-1989, Vùng 4 Hải quân gửi thư chia buồn tới gia đình những người lính được xác định là hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma.


Cùng ngày, 22-5-1989, các gia đình liệt sỹ nhận được giấy báo tử


Công trạng của những người lính chiến đấu trong trận hải chiến Gạc Ma được ghi nhận vào tháng 12-1988.



Ngày 13-4 -1990, họ chính thức được "tổ quốc ghi công".



Hơn 20 năm sau, trong những nỗ lực phải chấp nhận cả sự hy sinh, các người nhái của Hải quân Việt Nam lấy về được 6 bộ hài cốt. Láng giềng "tốt" của Hà Nội vẫn ngăn cản chúng ta đưa hài cốt của những người lính trở về (Lê Hữu Thảo bên mộ Đậu Xuân Tư - người mà chút ít xương cốt may mắn được trở về cố hương, Nghi Yên, Nghi Lộc, Nghệ An)


Lê Hữu Thảo cùng một người may mắn khác trên tàu 604 - chiến sỹ hải đồ Phạm Xuân Trường, Hương Sơn, Hà Tĩnh (ảnh chụp trong sân nhà Phạm Xuân Trường ngày 18-2-2014).


Liệt sỹ Đào Kim Cương, Vượng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh 


Lê Hữu Thảo trò chuyện với bà Hà Thị Liên, sinh 1931, mẹ liệt sỹ Đào Kim Cương.


Bà Nguyễn Thị Nhơn, 83 tuổi, mẹ liệt sỹ Đào Xuân Tư (Nghi Lộc, Nghệ An). Ảnh chụp sáng 23-2-2014.


Năm 2010, bà Nhơn được Vietsopetro cho 50 triệu, gia đình vay mượn thêm 45 triệu cất được ngôi nhà này.


Bà Lưu Thị Mỹ, sinh 1934, mẹ liệt sỹ Hồ Văn Nuôi.


Y sĩ, liệt sỹ Phan Huy Sơn, Diễn Nguyên, Diễn Châu, Nghệ An.


Chị Trần Thị Ninh, vợ liệt sỹ Phan Huy Sơn. .


Liệt sỹ Phan Huy Sơn hy sinh khi chị Ninh còn mang thai đứa con gái thứ hai, trong khi con trai đầu, sinh 1984, bị bại não bẩm sinh, cho đến giờ chị vẫn phải xay thức ăn đổ vào miệng cho cháu.


Vợ liệt sỹ Hồ Công Đệ (Hải Thượng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa), chị Cao Thị Bình (sinh 1958) - vốn là một cựu binh - đã phải vào Vũng Tàu làm "osin" suốt 8 năm để nuôi 3 con ăn học.


Liệt sỹ Cao Xuân Minh, Hoằng Quang, Hoằng Hóa, Thanh Hóa.


... và bố là ông Cao Xuân Điều, sinh 1937, trung đoàn phó tham mưu trưởng E 733, Quân Khu V. Ông Điều có 24 năm ở chiến trường, ông trở về từ Campuchia năm 1985, 3 năm trước khi con trai Cao Xuân Minh của ông hy sinh.


Liệt sĩ Lê Đình Thơ, sinh 1957, Hoằng Minh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

 Lê Thị Thủy, sinh 5-3-1987, con gái liệt sỹ Lê Đình Thơ. Thủy được một tuổi thì bố mất, 9 tháng sau thì mẹ cũng mất vì bệnh (20-12-1988)


Lê Hữu Thảo và bà Lê Thị Lương, mẹ liệt sỹ Lê Đình Thơ. Ảnh chụp trong ngõ nhà hôm 19-2-2014.


Người cùng đi với chúng tôi, anh Đăng Cao Thắng, nói: "Không thể tìm thấy bất cứ một nét không buồn nào trên gương mặt ông Phạm Gia My". Ông My là bố liệt sỹ Phạm Gia Thiều, Trung Đông, Trực Ninh, Nam Định, ông có hai người con trai, 3 người con gái, nhưng cả hai người con trai đều chết trẻ, một người mất vì bệnh.


Lê Hữu Thảo lần giở thư từ của liệt sỹ Nguyễn Văn Phương - nời mà đêm trước trận hải chiến Gạc Ma gần như thức trắng đêm tâm sự cùng Thảo. Người ngồi cạnh là ông Nguyễn Văn Mạo, 75 tuổi, bố liệt sỹ Phương.


Nguyễn Văn Phương có thể đã không nằm trong danh sách liệt sỹ Gạc Ma nếu không có vụ đổi tiền năm 1985. Phương khi ấy, trúng tuyển vào trường sĩ quan Lục Quân. Giấy nhập học yêu cầu ngày 10-9-1985 phải có mặt tại trường, anh chưa đi thì đổi tiền (13-9-1985) nên cả tuần sau đó, không nhận được tiền mặt để mua vé xe. Sau đó ít lâu, Phương gia nhập lực lượng Hải quân.


Một cựu binh khác, ông Nguyễn Xuân Cứ, bố của liệt sỹ Nguyễn Thanh Hải, Chính Mỹ, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Khi Hải mất hai bố con đang ở cùng đơn vị. 


Liệt sỹ Nguyễn Thanh Hải (Hải Phòng). 


Ông Đoàn Tuấn Nghĩa, 73 tuổi, bố liệt sỹ Đoàn Đắc Hoạch, quận Lê Chân, Hải Phòng.












Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

Từ Hoàng Sa tới Gạc Ma


Chúng tôi hiện đang xúc tiến thủ tục, giúp bà quả phụ trung tá Ngụy Văn Thà mua một căn hộ mới trong một cao ốc được xây gần như "trên nền nhà cũ" của bà ở quận 10. Đây là bước đi đầu tiên của Chương trình. Chúng tôi cũng đang thảo luận với bà quả phụ Nguyễn Thành Trí, các thành viên gia đình Hoàng Sa, các thành viên gia đình Gạc Ma, tiếp tục làm "nhịp cầu" để người Việt ở khắp nơi có cơ hội tri ân những người lính đã hy sinh vì tổ quốc.

Sau hơn một tháng công bố trên blog và Facebook, Chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa đã nhận được sự đóng góp từ gần 400 cá nhân, nhóm, với số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng. Người Việt trong nước, người Việt ở Mỹ, Úc, Canada, Đức, Thụy Sỹ, Nhật, người Việt ở Đông Âu... đã cùng tham gia bằng cách góp tiền, bán đấu giá sách quý, tranh, ảnh... Những văn nghệ sỹ nổi tiếng như Nguyễn Duy, Đỗ Trung Quân, Tô Thùy Yên, Dương Minh Long, Lê Thiết Cương, Nguyễn Quốc Dũng, Đức Trí...; các giáo sư Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Vũ Hà Văn, Ngô Quang Hưng... cũng đều đã ủng hộ Chương trình bằng tiền và nhiều kỷ vật có giá trị.

Đặc biệt, trong số những người đóng góp có những bạn trẻ đang là sinh viên, học sinh, giáo viên. Có những nhân vật đã từng là ủy viên Thường vụ Thành ủy TP HCM như PGS.TS Phan Xuân Biên, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Có những nhân vật đã từng là Bộ trưởng Phủ Thủ tướng trong chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (thời Thủ tướng Phan Huy Quát) và nguyên là Đại sứ Việt Nam Công Hòa tại Hoa Kỳ, cụ Bùi Diễm (năm nay 90 tuổi).
  
Chị Võ Hiếu Dân, con gái Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, đã thay mặt gia đình đóng góp cho Chương trình. Vợ chồng anh chị Trịnh Vĩnh Trinh - Nguyễn Trung Trực cũng đã trao cho chúng tôi phần đóng góp của "gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn". Chúng tôi hiện đang có trong tay nhiều tranh, ảnh và các kỷ vật quý giá khác mà các nhân vật nổi tiếng đã hiến tặng cho Chương trình để chuẩn bị đưa đấu giá.

Trong những bước đi kế tiếp, Chương trình hy vọng tiếp tục nhận được sự ủng hộ để giúp các cựu binh Hoàng Sa lớn tuổi đang gặp khó khăn và các cựu binh Gạc Ma ổn định cuộc sống; giúp các gia đình những người lính hy sinh khi bảo vệ Hoàng Sa và Gạc Ma sửa sang, xây mới nhà cửa và cấp học bổng cho con em họ. Không chỉ nối những nghĩa cử của người Việt ở khắp mọi nơi mà thông qua các nghĩa cử đó Chương trình mong muốn sẽ cùng các thế hệ người Việt nhắc nhở nhau về những phần lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và đảo đá Gạc Ma, từng bị Trung Quốc chiếm đoạt và hiện những kẻ xâm lược vẫn còn chiếm giữ.

Do hơn 80% số người góp tiền ủng hộ cho Nhịp Cầu Hoàng Sa hiện sinh sống tại Việt Nam, việc chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng Citibank gặp không ít khó khăn. Theo đề nghị của nhiều bạn, chúng tôi đã mở thêm tài khoản ở Vietcombank và đặc biệt, mở thêm tài khoản Paypal nhằm giúp các bạn trẻ dễ dàng đóng góp những khoản tiền nho nhỏ.
Tiền góp cho Nhịp Cầu Hoàng Sa xin chuyển theo các địa chỉ sau: 

1, DO THANH TRIEU (chị Đỗ Thanh Triều)
Số tài khoản: 1000343796 (cho cả VND và ngoại tệ)
Ngân hàng: CITI BANK VIETNAM 

Chuyển online có thể phải khai thêm:
Ho Chi Minh Branch
Swiftcode: CITIVNVX (thay cho IBAN)

Nếu có yêu cầu địa chỉ người nhận thì ghi: Toa nha Sunwah, 115 Nguyen Hue, Quan 1

2, Đỗ Thanh Triều - Vietcombank TP.HCM - số TK 0071001176816

3, Trường hợp chuyển tiền mặt xin gửi: Đỗ Thanh Triều, báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, điện thoại: 0903383994.

4, Tài khoản Paypal: nhipcauhoangsa@yahoo.com
5, Những người ở Mỹ có thể gửi check với memo "Đóng góp cho quĩ Nhịp cầu Hoàng Sa", về: Ông Đinh Quang Anh Thái, 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, USA