FB Huy Duc
Nhịp Cầu Đầu Tiên
"Hôm qua, Thảo đi Bến Tre tảo mộ ông bà nội đến tối mới về, nghe mẹ nói có 3 người đến thăm và tặng gia đình 10 triệu đồng. Mẹ Thảo có hỏi tên nhưng họ chỉ nói là bạn với Huy Đức... Cám ơn anh. Nhưng anh ơi, 74 người đã mất trong trận hải chiến năm đó mà chỉ có gia đình Thảo và bác Thà được tri ân thì thật đau xót cho 72 gia đình còn lại. Dù là lính hay sĩ quan thì cũng là một mạng người như nhau, thân nhân cũng đau xé ruột gan như nhau mà thôi. Xin hãy cùng tri ân tất cả mọi người, kể cả những người còn sống, như vậy mới công bằng, không lẽ những người sống sót sau trận chiến đó, như chú Bảy, chú Hà, là không đáng quý?".
Trên đây là đoạn thư của cô Nguyễn Thị Thanh Thảo, con gái thiếu tá hạm phó Nguyễn Thành Trí, gửi chúng tôi hôm 26 Tết.
Thảo ơi, chắc chắn rất nhiều người ở đây cũng nghĩ như Thảo. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng tôi chỉ mới liên lạc được 15 gia đình có thân nhân hy sinh hoặc trở về sau trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Thư của Thảo cũng cho biết: "Thảo nói như vậy là muốn nhờ anh và các bạn của anh quan tâm, giúp đỡ dùm gia đình bà quả phụ trung sĩ Nguyễn Thành Trọng, HQ 10, hiện đang ở Cần Thơ. Chú Trọng có 1 đứa con trai duy nhất tên là Nguyễn Hoàng Sa. Cũng giống như em trai Thảo - Nguyễn Hoàng Sa mồ côi cha khi còn nằm trong bụng mẹ". Em trai của Thảo tự cũng là Hoàng Sa. Chúng ta vẫn chưa biết sau sự kiện 19-1-1974, có bao nhiêu công dân Việt Nam đã được đặt tên Hoàng Sa.
Hôm sau, ngày 27 Tết, chúng tôi đã nói chuyện với Nguyễn Hoàng Sa. Anh cho biết đang sống cùng mẹ, nghề nghiệp không ổn định. Gia đình bà quả phụ Nguyễn Thành Trọng có thể là thành viên thứ 16, mà chúng tôi biết được, của "gia đình Hoàng Sa".
Sau nhiều thập kỷ đau thương, đất Việt có hàng triệu người cần được tri ân. Nhưng Thảo ơi, mỗi người chỉ có thể làm một phần. Mỗi chương trình chỉ có thể đến được với một số ít trong danh sách không bia nào ghi hết đó.
Chỉ sau 20 ngày vận động, Chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa đã nhận được hơn 845 triệu đồng từ hơn 300 cá nhân, tổ chức. Người Việt trong nước, người Việt ở Mỹ, Úc, Canada, ở Đông Âu, ở Nhật... đã thường xuyên quên góp, gửi thư động viên và góp ý với chúng tôi.
Cho tới sáng 28 Tết, ngày giỗ thứ 40 của thiếu tá Nguyễn Thành Trí, chúng tôi đã chuyển 5 phần quà, mỗi phần 5 triệu đồng, tới 5 gia đình Hoàng Sa. Đúng như con gái của thiếu tá Nguyễn Thành Trí nói, ai trong số 15 gia đình Hoàng Sa mà chúng tôi liên lạc được cũng đều xứng đáng được tri ân. Tuy nhiên, sau khi thảo luận trong nhóm vận động và trao đổi với một số thành viên trong "gia đình Hoàng Sa", chúng tôi chọn 5 trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt, gồm: gia đình bà quả phụ trung tá Ngụy Văn Thà; gia đình bà quả phụ thiếu tá Nguyễn Thành Trí; gia đình trung sĩ Vũ Văn Chu (hiện đang bị liệt sau khi đột quỵ); gia đình thượng sĩ Trần Dục, người tham chiến trên tàu HQ-4, hiện đang sống ở Huế; gia đình ông Vương Lăng, em trai ông Vương Thương, trung sỹ giám lộ trên tàu HQ-10.
"Hoàng Sa" là một "nhịp cầu", Chương trình của chúng tôi không chỉ tri ân những người lính Việt Nam Cộng hòa tham gia bảo vệ Hoàng Sa ngày 19-1-1974 mà còn hướng đến việc tri ân các thế hệ Việt Nam đã từng góp công giữ gìn biển, đảo. Được sự khích lệ của các thành viên trong "gia đình Hoàng Sa", Tết này, chúng tôi còn tặng 5 phần quà, mỗi phần 5 triệu đồng, tới các gia đình người lính Quân đội Nhân dân Việt nam đã hy sinh, đã tham bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988.
Nhờ các nhà báo Trần Đăng, Káp Thành Long, Võ Văn Tạo, Hồ Trung Tú, Lê Đức Dục... danh sách gia đình những người lính tham gia bảo vệ Gạc Ma chúng tôi có nhiều hơn. Nhiều người trong số họ đang có cuộc sống khó khăn. Tuy nhiên, do điều kiện thời gian và do, trong giai đoạn đầu, Chương trình tập trung cho mục tiêu "mái ấm Hoàng Sa", nên chúng tôi chỉ có thể chuyển quà tới 5 gia đình:
Gia đình liệt sỹ Lê Đình Thơ, còn mẹ là Lê Thị Lượng đang sống ở xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa; gia đình liệt sỹ Cao Xuân Minh, bố là Cao Xuân Điền, mẹ là Nguyễn Thị Văn, đang sống ở xã Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa; gia đình liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, vợ là chị Hà, đang sống ở xã Cam Nghĩa, thị xã Cam Ranh, Khánh Hòa (sau khi chồng hy sinh, chị Hà ở vậy nuôi con bằng nghề phụ hồ); gia đình anh Trương Văn Hiền, sau trận Gạc Ma, anh Hiền bị Trung Quốc bắt làm tù binh, hiện làm rẫy ở xã Hòa Thắng, Buôn Ma Thuột; gia đình liệt sỹ Nguyễn Bá Cường, hiện còn mẹ già, sống ở thị trấn Thanh Quýt, Điện Bàn, Quảng Nam. Mẹ liệt sỹ Cường, mẹ Ngò, 85 tuổi, hiện sống rất nghèo, ngoài khoản tiền tuất liệt sĩ (1,1 triệu/tháng), mẹ không có nguồn nào khác.
Các nhà báo Trần Ngọc Quyền (Dak Lak), Hữu Trà (Đà Nẵng), Cao Ngọ (Thanh Hóa)... đã giúp chúng tôi chuyển quà tới các "gia đình Gạc Ma" trước ngày 27 Tết.
Cũng trong mấy ngày qua, chúng tôi đã trao đổi với gia đình bà quả phụ Ngụy Văn Thà, bà quả phụ Nguyễn Thành Trí về kế hoạch mua hai căn hộ. Đúng như Thảo - con gái thiếu tá Nguyễn Thành Trí - nói, "không lẽ chỉ có hai gia đình được tri ân". Chương trình mới bắt đầu và con đường của chúng ta còn dài, Thảo ạ.
Chúng tôi hy vọng bà Huỳnh Thị Sinh sẽ có căn hộ mới trong tháng Giêng năm Giáp Ngọ, để bà có nơi đặt bàn thờ chồng, để những đồng đội của trung tá Ngụy Văn Thà mỗi lần quy tụ, có thể thắp nén nhang, tưởng nhớ những người đã vì Hoàng Sa mà hy sinh. Chúng tôi hy vọng các bạn sẽ cùng đi với Nhịp Cầu Hoàng Sa. Với những người lính mà xương cốt vẫn nằm nơi biển sâu, mỗi một cử chỉ nhỏ của chúng ta, có thể làm cho nhang khói trên bàn thờ của họ bớt phần lạnh lẽo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét